"KỶ CƯƠNG, CHUYÊN NGHIỆP, SÁNG TẠO, HIỆU QUẢ" |
(0271) 386.0548 thuvientinh@binhphuoc.gov.vn

Phải làm gì khi phát hiện dấu hiệu đau tim?

  • 13-11-2023 08:08:32 SA
  • 99
Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+) Nghe


Ngọc Quý
Ngọc Quý

Điều đầu tiên là cần nhận biết các dấu hiệu đặc trưng của đau tim. Dù chắc chắn hay chỉ nghi ngờ đau tim thì người bệnh cũng cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Đau tim thường xảy ra khi động mạch vành bị tắc nghẽn và làm giảm, thậm chí ngưng nguồn cung cấp máu đến cơ tim. Triệu chứng đặc trưng của đau tim là đau ngực hoặc khó thở nghiêm trọng, đặc biệt là khi đang nghỉ ngơi, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).

Phải làm gì ngay khi phát hiện dấu hiệu đau tim ? - Ảnh 1.

Ngay khi nghi ngờ mình bị đau tim thì người mắc cần phải đến bệnh viện ngay lập tức

SHUTTERSTOCK

Cơn đau ngực do đau tim sẽ gây cảm giác như siết chặt, bị ép mạnh vào ngực, căng tức hoặc đau nhói. Một số trường hợp cảm thấy đau và khó chịu ở 1 hoặc cả 2 cánh tay, đặc biệt là tay trái. Cảm giác đau sẽ không nghiêm trọng hơn khi cử động vì nguyên nhân đau là từ tim chứ không phải cơ xương.

Ngay khi có dấu hiệu đau tim, người bệnh cần phải được người xung quanh hoặc xe cấp cứu đưa đến bệnh viện ngay lập tức. Ngay cả trong trường hợp người bệnh không biết chắc mình có bị đau tim hay không thì cũng cần sớm đưa đến bệnh viện. Các can thiệp kịp thời sẽ giúp hạn chế hoặc ngăn ngừa tổn thương tim.

Trong thời gian chờ được đưa đến bệnh viện, người bệnh có thể uống aspirin nếu không bị dị ứng loại thuốc này. Aspirin là một trong những loại thuốc làm loãng máu được dùng phổ biến nhất trên thế giới.

Hầu hết các trường hợp đau tim là do cục máu đông hình thành ở một trong số các mạch máu chính dẫn đến tim. Cục máu đông sẽ làm tắc nghẽn lưu thông máu, khiến tim không nhận được lượng máu giàu ô xy, dẫn đến tổn thương và khiến cơ tim chết dần.

Thuốc aspirin có tác dụng làm loãng máu, giúp ngăn cục máu đông lớn hơn và dễ phá vỡ hơn. Các tác động này giúp cải thiện cơ hội sống sót cho người bệnh. Những người không bị dị ứng với aspirin và có nguy cơ cao bị đau tim có thể cân nhắc trữ sẵn thuốc ở nhà để dùng khi không may đau tim xảy ra.

Một điều khác cũng rất quan trọng là người bệnh không nên hoảng loạn khi nhận thấy dấu hiệu đau tim. Họ cần giữ bình tĩnh, nằm xuống, nghỉ ngơi và chờ được đưa đi bệnh viện.

Ngoài ra, người bệnh nên tránh ho nhiều hay làm gì đó tăng áp lực lên ngực. Các phương pháp tạo áp lực lên ngực khi bị đau tim chỉ được áp dụng khi bệnh nhân bị ngừng tim. Trong trường hợp ngừng tim, phương pháp hồi sức tim phổi sẽ được thực hiện và tốt nhất là được những người đã qua đào tạo thực hiện, theo Medical News Today.

Nguồn: https://thanhnien.vn/phai-lam-gi-khi-phat-hien-dau-hieu-dau-tim-185231111122730518.htm

Sưu tầm: Văn Trường

  • Thanh niên