26 năm hình thành và phát triển
Thư viện tỉnh Bình Phước được thành lập tại Quyết định số 58/QĐ-UB ngày 06/01/1997 của Ủy ban nhân dân tỉnh, với 3 cán bộ, viên chức và 10.250 bản tài liệu sách, báo tiếp nhận từ Thư viện tỉnh Sông Bé.
Trụ sở thư viện được bố trí hoạt động tạm thời chung với cụm cơ quan gồm Đài Phát thanh và Truyền hình, Sở Thể dục - Thể thao, Sở Văn hóa - Thông tin. Đến năm 2003, Thư viện tỉnh được bố trí sử dụng trụ sở cũ của Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Phú và đến tháng 11 năm 2015 được bố trí chung tại trụ sở của Trung tâm Văn hóa tỉnh.
Về tổ chức các hoạt động
Nhiệm vụ của Thư viện Bình Phước là tổ chức phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu, khai thác thông tin tư liệu và giải trí của nhân dân trong tỉnh thông qua vốn tài liệu sách, báo, tạp chí do nhà nước đầu tư dưới các hình thức phục vụ tại chỗ, phục vụ qua internet, luân chuyển về hệ thống thư viện công cộng trong tỉnh và các Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi của hệ thống tổ chức Đoàn thanh niên từ tỉnh đến các huyện, thị xã; hỗ trợ sách hạt nhân để hình thành các tủ sách cơ sở ở các khu dân cư, các nhà trọ công nhân tại các khu công nghiệp, các Đồn Biên phòng, các gia đình khuyến học. Đồng thời luân chuyên, hỗ trợ sách nói cho hệ thống Hội Người mù của tỉnh nhằm phục vụ cho người khiếm thị, hỗ trợ sách cho các điểm xóa mù chữ và phổ cập giáo dục.
Những thành quả đạt được
Về công tác tổ chức bộ máy: Với xuất phát điểm chỉ có 3 cán bộ, viên chức (1 Giám đốc và 2 cán bộ nghiệp vụ) đến nay bộ máy tổ chức và biên chế của Thư viện đã được củng cố, kiện toàn tương đối hoàn chỉnh. Hiện nay, Thư viện được biên chế 12 viên chức và tổ chức thành 3 phòng chuyên môn.
Về vốn tài liệu: Từ 10.250 bản tài liệu sách, báo tiếp nhận từ Thư viện tỉnh Sông Bé vào năm 1997, Đến nay, thư viện đã có 513.166 tài
nguyên thông tin (161.874
bản sách in; 331.724 tờ báo, tạp chí
in; 19.334 tài liệu số, tài liệu nghe, nhìn; 234 đĩa CD và và tài liệu, dữ liệu khác), bình quân hàng năm bổ sung 6.225 bản sách, 150 loại báo, tạp
chí và 6.000 thông tin được sưu tầm từ các báo điện tử đăng lên trang thông tin
điện tử tổng hợp của đơn vị. Mỗi ngày thư viện phục vụ dao động từ 6.000 - 11.000
lượt người sử dụng tài nguyên thông tin, nỗi bật là trang thông tin điện tử tổng
hợp.
Về ứng dụng công nghệ thông tin: Từ khi thành lập, Thư viện tỉnh chỉ có sách, báo với nghiệp vụ xử lý thủ công, chưa được trang bị các thiết bị công nghệ thông tin cả phần cứng và phần mềm ứng dụng. Đến nay, Thư viện đã được đầu tư từ nhiều nguồn kinh phí để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, với một máy chủ có dung lượng lớn và 40 máy tính được bố trí phòng truy cập đa phương tiện và 11 máy phục vụ xử lý nghiệp vụ trên cơ sở dữ liệu phần mềm chuyên ngành thư viện.... Ngoài ra, Thư viện cũng được đầu tư Trang thông tin điện tử tổng hợp để phục vụ người dân truy cập, tìm hiểu thông tin về nguồn thông tin tư liệu, sách báo trước khi đến thư viện tìm đọc, nghiên cứu.
Qua 25 năm nhìn lại, Thư viện Bình Phước được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Vụ Thư viện, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm, chỉ đạo, hệ thống thư viện công cộng được đầu tư xây dựng, nâng cấp để thư viện là điểm đến của người dân học tập, nghiên cứu nhằm thỏa mãn nhu cầu tìm kiếm thông tin của mọi tầng lớp nhân dân, trong đó chủ yếu là học sinh, cán bộ hưu trí, những người lao động ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.
Những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, người đọc dần dần ít tới thư viện, tỉ lệ phân bổ không đồng đều, chiếm phần lớn cán bộ, công chức và viên chức còn lại phần nhỏ là đối học sinh, sinh viên, người lao động về hưu... Cơ sở vật chất kỹ thuật thư viện thì chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Tuy nhiên, với vai trò gắn liền với tri thức. Thư viện luôn đồng hành cùng với người dân trong việc nâng cao nhận thức, mở mang tầm nhìn, phát triển của khoa học, bảo tồn và phát huy văn hóa đọc. Đối với xã hội học tập ngày nay, tầm quan trọng của thư viện chưa hề bị giảm đi, mặc dù với sự trỗi dậy mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông, thư viện vẫn không mất đi những giá trị nhân văn của mình, có chăng là thay đổi phương cách hoạt động để thích ứng, phù hợp với tiến trình phát triển của xã hội. Nhận thức được tầm quan trọng đặc biệt của thư viện trong giáo dục, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 282/KH-UBND ngày 04/10/2022 về triển khai thực hiện Đề án phát triển văn hóa
đọc trong cộng đồng giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh
Bình Phước .... Thông qua đó, Thư viện Bình Phước phối hợp với Thư viện KHTH Tp.HCM tổ chức bồi dưỡng, đào tạo về nghiệp vụ, chuyên môn thư viện cho các cán bộ thư viện Trường Tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh; tăng cường vốn tài liệu, nguồn lực thông tin, đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, đa dạng các hoạt động tuyên truyền, luân chuyển, phục vụ sách, báo, tạp chí từ các thư viện công cộng đến thư viện các trường học, tổ chức các hoạt động học tập, dịch vụ phục vụ học tập phù hợp với đối tượng.
Những thành quả của 25 năm qua được thể hiện trên các khía cạnh:
Tăng cường vốn tài liệu, nguồn lực thông tin, trang thiết bị kỹ thuật, đổi mới phương thức hoạt động phục vụ bạn đọc
Vốn tài liệu trong thư viện không chỉ được phát triển về số lượng mà còn đa dạng về nội dung và chia sẻ nguồn lực thông tin giữa các Thư viện trong Liên hiệp Thư viện miền Đông Nam bộ và cực Nam Trung bộ. Tổng số bản sách hiện có (Việt, Anh, Pháp, Nga, Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc…cùng nhiều loại hình tài liệu khác) và 112 loại báo, tạp chí. Đặc biệt, Thư viện Bình Phước đã thu âm sách bằng tiếng nói đồng bào S’tiêng và xây dựng phòng đọc địa chí, chú trọng phát triển vốn tài liệu địa chí, phục vụ tốt nhu cầu đọc và nghiên cứu về địa phương của mọi tầng lớp nhân dân.
Dịch vụ phục vụ trong thư viện cũng được cải tiến, chất lượng hơn và đa dạng hơn, phù hợp với tâm lý, sở thích của đối tượng sử dụng, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin của nhiều đối tượng bạn đọc khác nhau. Về trang thiết bị, thư viện đã ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động phục vụ người dân có cơ hội tiếp cận và sử dụng thông tin.
Nâng cao hoạt động thông tin tuyên truyền
Hàng năm, tổ chức Hội báo Xuân với chủ đề "Mừng Đảng - Mừng Xuân", các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4), các sự kiện chính trị của đất nước, địa phương (triển lãm, trưng bày, giới thiệu sách…); nổi bật trong công tác tuyên truyền của Thư viện là duy trì và phát huy tốt hiệu quả đến đối tượng bạn đọc Thanh thiếu nhi tại Phòng đọc thiếu nhi vào các ngày trong tuần (kể cả thứ bảy và chủ nhật), tổ chức các Hội thi kể chuyện sách thiếu nhi, vẽ tranh trong dịp hè gắn với các hình thức triển lãm giới thiệu sách trực quan sinh động, thu hút đông đảo các em đến tham dự; tham gia Liên hoan do Liên hiệp Thư viện miền Đông Nam bộ và cực Nam Trung bộ tổ chức; giới thiệu nhiều tác phẩm lên webstie.
Tăng cường hoạt động hướng về cơ sở
Toàn tỉnh có 09 huyện, thị xã có hoạt động thư viện; phòng đọc sách xã... Trên cơ sở thực tế của tỉnh, thư viện đã mở rộng và duy trì tốt hoạt động đọc sách báo ở cơ sở: công tác luân chuyển sách đến các phòng đọc ở cơ sở, thư viện trường tiểu học; tổ chức những chuyến xe tri thức đến phục vụ các em học sinh các Trường Tiểu học, THCS ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bước vào giai đoạn phát triển mới: cơ hội và thách thức
Sau 25 năm hình thành và phát triển, để đạt được những thành tựu đáng ghi nhận nêu trên của ngành thư viện, phải kể đến sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng bộ, chính quyền, của lãnh đạo ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành liên quan, và sự nỗ lực, tâm huyết của đội ngũ cán bộ, viên chức và người lao động của ngành từ khi thành lập đến nay. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa X đề ra cho ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (lĩnh vực thư viện), phấn đấu đến năm 2025, thiết chế thư viện tỉnh được quy hoạch đầu tư xây dựng, về sách phải đạt tỷ lệ bình quân chung cả nước là 0,5 bản sách/người dân (hiện nay là 0,2 bản sách/người dân) và phát triển thư viện công cộng ở cấp huyện đảm bảo về nhân lực, nguồn lực sách báo để phục vụ nhân dân địa phương là những thách thức rất lớn.
Có thể nói, 26 năm hình thành và phát triển, với sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Vụ Thư viện, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với sự nổ lực, vượt qua khó khăn, tập thể CB,VC đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Phát huy kết quả đạt được, trong những năm tiếp theo, Thư viện Bình Phước sẽ phát huy nội lực, trở thành công cụ đắc lực để góp phần nâng cao dân trí và phát triển văn hóa, xã hội, đáp ứng nhu cầu của người dân về tiếp cận với thông tin, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của người dân một cách hiệu quả./.
Với những thành tích đạt được trong 26 năm, Thư viện tỉnh Bình Phước vinh dự nhận được những phần thưởng cao quý như: Cờ thi đua xuất sắc và Bằng khen do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng; nhiều Bằng khen do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước tặng. Đây là những thành tựu to lớn, tạo động lực để Thư viện tỉnh Bình Phước hoàn thành sứ mệnh của mình trong quá trình phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.